Bước chuyển biến mới ở khu vực HTX Nghệ An trong nhiệm kỳ 2016 - 2020
Nhiệm kỳ qua, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có bước phát triển tích cực, đa dạng ngành nghề, góp phần không nhỏ vào ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết thêm việc làm cho người lao động, bảo đảm quyền lợi cho các hộ gia đình, thành viên và người lao động
Kết thúc nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã xây dựng được 780 HTX; 02 Liên hiệp HTX phát triển đa dạng ở nhiều lĩnh vực ngành nghề. Trong 9 tháng đầu năm tổng doanh thu khu vực HTX đạt gần 1.200 tỷ đồng, ước cả năm 2020 đạt gần 2.000 tỷ đồng, đóng góp GDP xấp xỉ 7,5%, giải quyết việc làm cho hơn 60 nghìn lao động.
Lĩnh vực nông – lâm – ngư - diêm nghiệp có 592 HTX, trong đó xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới liên kết với doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất mang lại lợi ích thiết thực cho người dân như HTX NN Thọ Thành (Yên Thành), HTX Chanh Nam Đàn, HTX Sen Kim Liên (Nam Đàn), HTX Dược Liệu Phủ Quỳ (TX Thái Hòa), HTX Sơn Lâm… Nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp ngoài việc phục vụ tốt nhu cầu và mang lại lợi ích cho thành viên, hàng năm kinh doanh mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Các HTX nông nghiệp xác lập được vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm ở nông thôn, bảo đảm ổn định giá dịch vụ vật tư đầu vào, góp phần làm tăng giá trị gia tăng cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ thành viên. Nhiều HTX hoạt động tín dụng nội bộ, hỗ trợ cung ứng vốn kịp thời cho hộ thành viên sản xuất, giải quyết khó khăn trong sinh hoạt, xóa tình trạng tín dụng đen trong nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có 78 HTX. Tổng doanh thu các HTX tăng đều hàng năm, ước đạt bình quân đạt 598 tỷ đồng vào cuối năm 2020; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 4.6 – 5,2 triệu đồng/tháng. Trên lĩnh vực này xuất hiện nhiều HTX điển hình như HTX sản xuất dịch vụ Sông Lam (TX Cửa Lò), HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên (Nghi Lộc), HTX Lam Sơn Đại Thành (Nam Đàn), HTX Thắng Lợi (Yên Thành), HTX Thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu), Hợp tác xã Làng nghề Quang Phong (TX Thái Hòa)…
Các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại hoạt động kinh doanh khá năng động với nhiều hình thức sản xuất kinh doanh đa dạng, chú trọng huy động các nguồn lực, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Các HTX đã tích cực đổi mới, liên doanh, liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm mới; từng bước tổ chức sắp xếp bộ máy phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh, do đó đã nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm. Sản phẩm của các HTX bước đầu được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận như thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, chế tác đá, đồ mộc dân dụng,...
Lĩnh vực vận tải có 40 HTX với doanh thu bình quân hàng năm là 3.147 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân hàng tháng của một của lao động thường xuyên là 6,3 triệu đồng/tháng. So với thời điểm 31/12/2015, doanh thu bình quân hàng năm của một HTX tăng 147,8%; thu nhập bình quân hàng tháng của một lao động thường xuyên trong HTX tăng 3,5 triệu đồng. Năng lực vận tải của HTX dần được nâng cao, góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa của toàn xã hội; thông qua HTX giúp cho các cơ quan nhà nước quản lý một số lượng đáng kể phương tiện vận tải tư nhân và hộ cá thể, ổn định tổ chức vận tải ở địa phương, tích cực tham gia phục vụ an ninh quốc phòng và ổn định đời sống dân cư, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập tuy chưa cao nhưng ổn định.
Trong lĩnh vực xây dựng có 09 HTX. Hầu hết các HTX xây dựng thường thực hiện công trình tại địa phương. Đây là một trong những nhân tố quan trọng trong xây dựng và phát triển nông thôn mới. Tuy nhiên khó khăn nhất của các HTX xây dựng hiện nay là chưa có được thị trường xây dựng ổn định, công trình ít, việc làm chưa được thường xuyên.
Trong lĩnh vực tín dụng, toàn tỉnh hiện có 59 quỹ TDND, hoạt động trên địa bàn 164 xã, phường, thị trấn thuộc 16 huyện, thành, thị; trong đó có 58/59 quỹ TDND hoạt động theo mô hình liên xã, phường, thị trấn. Hầu hết các quỹ tín dụng đều quan tâm đến việc tăng vốn điều lệ, mở rộng quy mô hoạt động; Hoạt động cho vay của các quỹ TDND đã góp phần ổn định và nâng cao đời sống của các thành viên, hạn chế cho vay nặng lãi, giải quyết việc làm cho người nghèo và lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Năm 2019, 59/59 Quỹ TDND trên địa bàn có chênh lệch thu nhập lớn hơn chi phí với tổng số tiền là 62.406 triệu đồng.
Lĩnh vực môi trường có 02 HTX thành lập xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, thích ứng với cơ chế mới, hoạt động có hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; khẳng định năng lực của HTX có thể tham gia vào các lĩnh vực của nền kinh tế.
Có thể thấy nhiệm kỳ qua, kinh tế tập thể Nghệ An với nòng cốt là các HTX hoạt động khá đa dạng, hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho khu vực kinh tế nông nghiệp – nông thôn và kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch tỷ trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn ở các địa phương; Là cầu nối cho sự phát triển, trao đổi hàng hóa giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy sự phân công lao động xã hội.
Tác giả bài viết: Phòng KTTH