Kỹ sư tàu biển 'bẻ lái', đưa tơ sợi dứa sang trời Âu

Thứ tư - 19/06/2024 22:56 0

Xin chào các bạn, tôi là Dứa Hạnh Phúc. Tôi được sinh ra và lớn lên trong vòng tay âu yếm của những người nông dân chân chất xứ Nghệ. Đây là câu chào được Nguyễn Văn Hạnh đăng trên website của HTX nông sản Hạnh Phúc để giới thiệu về “đứa con” của mình.

Nhiều năm qua, những người nông dân ở Đông Giai (Diễn Châu, Nghệ An) vẫn kể nhau nghe về hành trình khởi nghiệp của Nguyễn Văn Hạnh, một kỹ sư bỏ phố về rừng khởi nghiệp theo tiếng gọi của cỏ hoa, đồng nội, đưa trái dứa và sản phẩm từ lá dứa đi khắp đất nước, vươn sang trời Âu.

Nguyễn Văn Hạnh sinh năm 1989, trong một gia đình có 5 anh chị em, bố mất sớm nên một mình mẹ tần tảo sớm hôm nuôi các con khôn lớn. Bằng sự cố gắng không ngừng và nghị lực của người con đất học xứ Nghệ, anh tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu thủy.

Ra trường đi làm, Hạnh lên tàu ra khơi trải nghiệm chinh phục mọi cung đường thử thách nơi đầu sóng ngọn gió. Khi công việc đang ổn định đầy đủ điều kiện vật chất thì anh bất ngờ “bẻ lái”... về quê.

Nhớ lại giờ phút định mệnh ấy, Nguyễn Văn Hạnh chia sẻ yếu tố đầu tiên khiến anh quyết định bỏ việc về quê lập nghiệp là vì chữ hiếu với mẹ già. Sau đó là hiện thực hóa giấc mơ từ những ngày thơ ấu.

Sinh ra trên mảnh đất thuần nông, ngay từ khi còn nhỏ, Hạnh đã gắn bó với trồng trọt. Giấc mơ xây dựng một vùng nông nghiệp sạch, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, truyền cảm hứng cho những người dân “chân lấm tay bùn” cứ thế lớn dần lên theo những chuyến hải trình.

“Ngày gác tấm bằng kỹ sư tàu biển để về quê, tôi gặp vô vàn áp lực, ai cũng nghĩ đó là bồng bột, sướng không chọn lại chọn khổ. Nhưng tôi tâm niệm, nếu mình có thể lập nghiệp, tạo nên những giá trị tốt đẹp trên chính mảnh đất quê hương thì tại sao phải ngần ngại”, Hạnh bộc bạch.

Gốc thuần nông, nhưng khi trở về với cây cỏ, Hạnh vẫn phải đối diện với vô vàn khó khăn, nhất là khi anh quyết định theo đuổi con đường làm nông nghiệp tử tế, tức là canh tác xanh, thuần tự nhiên.

Để tìm ra công thức thành công, Hạnh bắt đầu lao vào tìm tòi, học hỏi, từ sách vở, mạng internet, đến đi thực tế, hết nghiên cứu về đất, nước, khí hậu, cây trồng, lại đến kỹ thuật canh tác. Cây dứa, loại cây trồng truyền thống tại quê nhà cũng là sản phẩm chủ lực được anh chọn để phát triển.

Để hiện thực hóa những kiến thức đã học được, thời gian đầu, Nguyễn Văn Hạnh chủ động tìm đến các hộ canh tác dứa tại địa phương, thuyết phục họ cùng áp dụng phương thức sản xuất sạch, với bộ nguyên tắc không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không chín ép, không hóa chất.

Để không dùng phân bón hóa học thông thường, anh Hạnh mày mò tự làm các loại phân vi sinh bằng cách ủ phân cá, củ chuối, ốc... Trong đó, phân cá ủ hoai sẽ cung cấp vitamin, vi sinh có lợi, còn củ chuối sau khi xử lý sẽ chứa các loại kali dễ tổng hợp, vừa tốt cho cây vừa bảo vệ môi trường.

Sau hơn 1 năm triển khai, những nỗ lực đã bắt đầu đơm hoa kết trái. Dứa trên những cánh đồng áp dụng phương thức canh tác “4 không” có chất lượng vượt trội, vị ngon ngọt thuần tự nhiên.

Đã làm ra được sản phẩm tốt, nhưng “bài toán” tiếp theo của Hạnh là làm sao để tạo sự khác biệt giữa sản phẩm dứa thường và sản phẩm dứa hữu cơ. Anh lại bắt đầu công cuộc kết nối, tìm kiếm khách hàng. Để thuyết phục bạn hàng lớn, anh chủ động gửi sản phẩm đi kiểm nghiệm để chứng minh chất lượng.

Đặc biệt, để nâng cao uy tín, Hạnh đã liên kết với các hộ sản xuất để thành lập HTX nông sản Hạnh Phúc. Từ đó, thương hiệu Dứa Hạnh Phúc dần được quan tâm hơn, bắt đầu hành trình đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, uy tín.

Nhờ làm tốt cả khâu sản xuất và tìm kiếm thị trường, hoạt động sản xuất của thành viên HTX duy trì sự ổn định và cho thu nhập tốt, tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, giá trị của dứa sẽ không thể tạo đột phá, làm giàu cho nông dân sản xuất. Vì vậy, Hạnh và các thành viên sáng lập HTX lại bắt đầu nghiên cứu để chế biến các sản phẩm từ trái dứa, như dứa sấy dẻo, trà dứa, mật dứa, mứt dứa...

“Một quả dứa tươi nặng 600 - 900g bán sỉ chỉ 3 - 4 nghìn đồng, nhưng sau khi sấy lạnh, đóng gói, dán tem sẽ có giá 12 - 15 nghìn đồng. Những sản phẩm này giữ nguyên giá trị dinh dưỡng nhưng có thời hạn sử dụng lâu hơn, nên dễ dàng phân phối vào siêu thị hoặc các cửa hàng tiện lợi”.

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm chế biến từ trái dứa, thuyền trưởng HTX Hạnh Phúc cùng cộng sự còn tạo nên sự khác biệt với sản phẩm chế biến từ lá dứa, một thứ phụ phẩm vốn bỏ đi trước đây.

Hạnh chia sẻ, ý tưởng chế tạo xơ sợi từ lá dứa xuất phát từ thực tế lượng lá dứa khổng lồ bị bỏ đi sau mỗi vụ mùa ở Nghệ An và các vùng lân cận. Thay vì đốt, gây ô nhiễm môi trường, lá dứa được chế biến thành tơ sợi, sẽ tạo thêm nguồn thu đáng kể cho người nông dân.

“Với mỗi quả dứa được thu hoạch, người trồng sẽ phải bỏ đi 2 - 3kg lá dứa. Để có được 1 kg sợi khô cần 55 - 60 kg lá dứa tươi, như vậy với khoảng 20 - 22 quả dứa sau thu hoạch, người nông dân có thể kiếm thêm 120 - 170 nghìn đồng nhờ bán sợi dứa”, Nguyễn Văn Hạnh ước tính.

Ý tưởng là thế, nhưng thực hiện không dễ. Sau thời gian thử nghiệm, HTX Hạnh Phúc tiến hành đặt hàng chế tạo máy đánh sợi từ lá dứa. Nhờ máy móc, những vấn đề khi làm thủ công được giải quyết. Phần sợi thô được tách ra, sau đó làm sạch bằng nước gạo, giấm dứa, phơi khô, phần bã làm phân vi sinh.

Sợi tơ từ lá dứa có thể tạo ra những sản phẩm khác nhau, nhất là trong ngành dệt may và thủ công mỹ nghệ với sản phẩm quần áo, khăn túi xách cao cấp, đồ trang trí... Năm 2021, để đưa sản phẩm đi xa hơn, thuyền trưởng HTX Hạnh Phúc cùng 2 cộng sự quyết định thành lập Công ty Ecosoi.

Với “mũi nhọn” từ Ecosoi, HTX tiến hành tiếp xúc nông dân, đến thăm các làng nghề dệt truyền thống của bà con dân tộc ở Nghệ An và các tỉnh lân cận, rồi đặt hàng dệt tay các sản phẩm túi, khăn, võng...

Những sản phẩm có độ tinh xảo cao, làm từ bàn tay của những nghệ nhân truyền thống, của HTX nhanh chóng gây tượng với người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, ở buổi triển lãm GWAND SUSTAINABLE FESTIVAL tại Luzern, Thụy Sỹ tháng 9/2021, tơ sợi dứa Ecosoi được chào đón nồng nhiệt.

Thành công tại triển lãm này đã tạo tiếng vang lớn cho sản phẩm của HTX. Ngay sau đó, Ecosoi đã có buổi làm việc với đối tác ở Anh, và trở thành một trong những nhà cung ứng cho chuỗi công ty sản xuất vải từ sợi lá dứa thay thế cho sản phẩm từ da động vật hàng đầu châu Âu.

Từ những điểm tựa đang có, Hạnh cùng những người đồng sáng lập HTX Hạnh Phúc và Ecosoi đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư máy móc, nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nguyên liệu từ lá dứa, hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm tơ sợi đi khắp thế giới, mang lại doanh thu triệu đô.

Sau dứa, các sản phẩm từ đậu, lạc, mè (vừng) của HTX cũng lẫn lượt ra đời, tất cả đều được nâng niu bởi bàn tay chăm sóc của những người nông dân chân chất ở miền quê xứ Nghệ. Cũng từ các mặt hàng nông sản hạnh phúc này, Nguyễn Văn Hạnh tiếp tục bước trên con đường hiện thực hóa giấc mơ làm nông nghiệp tử tế, tạo việc làm cho người dân địa phương, hướng đến lợi ích cộng đồng.

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay5,635
  • Tháng hiện tại248,348
  • Tổng lượt truy cập14,621,027
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây