UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 589/KH-UBND ngày 18/10/2021 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nghệ An năm 2021, 2022 và định hướng đến năm 2025.
Áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất mía tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Mục tiêu của kế hoạch là hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ chức hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử...
Thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, thức ăn, phân bón...
Dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh để cập nhật thông tin sản phẩm lên các trang thương mại điện tử. Ảnh: Quang An
Đối với việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, năm 2021, 2022 tỉnh Nghệ An lựa chọn các nhóm hộ sản xuất nông nghiệp đủ điều kiện, có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, các sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận như OCOP, VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO... các sản phẩm có tiềm năng theo đề xuất của địa phương để tập trung hỗ trợ xây dựng điển hình nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử.
Tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; cách thức đăng ký tài khoản thanh toán, tài khoản mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử và hoạt động tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử..
Đối với công tác hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh sẽ thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn thương mại điện tử.
Năm 2021, 2022 tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên 2 sàn thương mại điện tử “Postmart.vn” của VNPost, “Voso.vn” của ViettelPost và nghiên cứu mở rộng trên sàn “37nghean.com” do Sở Công Thương quản lý. Ngoài ra, sẽ mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Theo mùa vụ, tỉnh sẽ hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh bị thương lái ép giá. Giúp người dân trong tỉnh và người dân tại các địa phương khác trong nước có thể mua sản phẩm một cách thuận tiện, nhanh chóng kể cả trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh...
Những sản phẩm nông nghiệp sẽ được thể hiện đầy đủ thông tin đến người tiêu dùng. Ảnh: Quang An
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng sẽ hỗ trợ cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân. Cung cấp thông tin các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào có thương hiệu, đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu của hộ sản xuất nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có chính sách ưu đãi cho hộ sản xuất nông nghiệp khi mua sắm các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, điều kiện và tình hình thực tế của các địa phương. Lựa chọn đưa các nhóm sản phẩm lên sàn thương mại điện tử theo thứ tự ưu tiên, cấp độ sản phẩm bảo đảm thiết thực, tránh dàn trải, thiếu hiệu quả. Thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, thông tin về kế hoạch trên các phương tiện thông tin như báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin cơ sở và các nền tảng số, mạng xã hội...
Quang An