Một hợp tác xã ở Bắc Kạn chế biến quả bí xanh thơm thành loại trà thơm lừng, đẹp da, nhiều người mê

Thứ ba - 21/11/2023 12:06 0
Từ quả bí xanh thơm - đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Kạn, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm mới như trà bí thơm, bí thái lát, bột bí, mứt bí.... Nhờ đó, sản phẩm bảo quản lâu hơn, tiêu thụ xa hơn vào các chuỗi nhà hàng, siêu thị, các hàng quán...

Bí xanh thơm - đặc sản bản địa nổi tiếng của Bắc Kạn

Bí xanh thơm là một loại cây đặc sản bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, được trồng chủ yếu ở các xã Yến Dương, Địa Linh và lẻ tẻ ở vài địa phương khác. Diện tích bí xanh thơm toàn huyện ước tính đạt gần 200 ha, sản lượng gần 6.500 tấn quả. 

Điều khiến loại quả đặc sản này nổi tiếng là bởi vẻ bề ngoài không giống với các loại bí đao phổ biến trên thị trường: Quả rất to và được bao bọc bởi lớp phấn trắng, đặc ruột, đặc biệt là thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm. Khi chế biến, bí xanh thơm có độ dẻo, vị đậm, ngậy béo, hương thơm đặc trưng; là món ăn bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe. 

Vỏ bí xanh thơm cứng và dày nên bà con có thể để được 3-4 tháng mà không sợ thối, hỏng. Do đó bí xanh còn thường để làm rau xanh dự trữ ăn mùa mưa bão, mùa đông giá rét khan hiếm rau, dễ dàng vận chuyển đi nơi xa...

Loại quả đặc sản ở Bắc Kạn được chế biến sâu, làm thành loại trà đẹp da, nhiều người mê - Ảnh 1.

Vườn bí xanh thơm được trồng tại xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: backan.gov.vn

Các hộ dân ở Ba Bể coi bí xanh thơm là rau sạch, trồng tại vườn nhà, ăn hàng ngày không chán. Nhiều người mệt mỏi, mất ngủ chỉ ăn bí xanh thơm cảm thấy khỏe mạnh trở lại. Bí xanh thơm có thể hấp, luộc, phơi khô hay xay sinh tố rất ngọt, thơm và bổ dưỡng. Thân bí sau thu hoạch có thể cắt khúc ép lấy nước uống, giải nhiệt, tiêu đờm.

Vì giống lạ, ngon và quý nên nhiều người đã đưa bí xanh thơm Ba Bể đi trồng tỉnh khác nhưng không thành công, vì khi bí xanh ra quả thì mùi không thơm ngào ngạt như trồng ở đất Ba Bể.

Từ chỗ là cây trồng bản địa của huyện Ba Bể, tiêu thụ nhỏ lẻ ở địa phương, gần đây đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nghiên cứu, chế biến sâu quả bí phấn trắng đặc sản, bước đầu hình thành chuỗi sản phẩm sạch. Trong đó, các sản phẩm được tiêu thụ mạnh hiện nay là trà bí xanh thơm, bí thái lát, bột bí, mứt bí,…

Loại quả đặc sản ở Bắc Kạn được chế biến sâu, làm thành loại trà thơm lừng, đẹp da, nhiều người mê - Ảnh 2.

Các hộ dân ở Ba Bể coi bí phấn trắng là rau sạch, trồng tại vườn nhà, ăn hàng ngày không chán.

Bà Ma Thị Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương (huyện Ba Bể) cho biết, tại xã Yến Dương, cây bí thơm được người dân gìn giữ và phát triển theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Từ năm 2020, sản phẩm bí thơm của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Vùng nguyên liệu của HTX hiện có khoảng 30ha, trong đó 10ha đạt chuẩn hữu cơ; năng suất bình quân từ 25-30 tấn/ha bí phấn, 30 - 35 tấn/ha đối với bí vỏ xanh.

Hiện nay, với việc áp dụng quy trình chế biến và công nghệ hiện đại, HTX đã phát triển thêm nhiều sản phẩm từ quả bí thơm: Trà bí thơm túi lọc, trà bí thơm hòa tan, nước ép bí thơm,... Năm 2022, trà bí thơm của đơn vị đã được cấp Chứng nhận hữu cơ PGS, Chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018 và được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu cấp tỉnh.

Trong khi đó, bà Vũ Thu Trang, đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Trang An Phát (thương hiệu Trà bí đao Cát Tiên) cho biết, đơn vị đã nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu quả bí phấn trắng Bắc Kạn thành trà bí thơm. Đặc biệt, khi kết hợp với các nguyên liệu khác như đậu đỏ, thạch dừa, hạt sen, các loại trái cây..., trà bí thơm Bắc Kạn đã trở thành thức uống yêu thích của nhiều người, nhất là chị em phụ nữ, giới văn phòng, thanh niên...

Thúc đẩy chế biến sâu bí thơm đặc sản 

Anh Nguyễn Văn Vũ, nông dân xã Yến Dương (huyện Ba Bể ) cho biết, từ khi tham gia liên kết trồng bí phấn trắng với doanh nghiệp, chúng tôi có công ăn việc làm ổn định hơn. Quá trình sản xuất, bà con được doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo quy trình trồng bí VietGAP, ghi nhật ký đồng ruộng đầy đủ từ khâu làm đất, gieo hạt đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… Nhờ đó giá bán sản phẩm cao hơn và ổn định hơn trước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết: Bí phấn trắng là sản phẩm đặc sản của Ba Bể, đem lại giá trị kinh tế gấp 10 lần so với trồng lúa trên một đơn vị diện tích. Để phát triển hơn nữa sản phẩm lợi thế này, địa phương đã phê duyệt đề tài khoa học phục tráng, bảo tồn giống bí đặc sản; chỉ đạo tổ chức sản xuất, giữ bằng được chất lượng giống. Nếu mất đi đặc tính riêng thì bí xanh Ba Bể sẽ không còn mùi thơm, sẽ giống bí xanh của nơi khác.

Loại quả đặc sản ở Bắc Kạn được chế biến sâu, làm thành loại trà thơm lừng, đẹp da, nhiều người mê - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa (ngoài cùng bên phải ảnh) cùng đại diện doanh nghiệp, HTX thăm vùng trồng bí xanh thơm đặc sản ở xã Yến Dương.

Theo bà Hoa, thời gian tới các cấp ngành, hợp tác xã, doanh nghiệp cần phối hợp tăng cường xúc tiến thương mại, không dừng lại ở bán sản phẩm tươi mà phải hướng tới đa dạng các sản phẩm từ chế biến đáp ứng nhu cầu của thị trường như trà bí, sản phẩm làm đẹp; hình thành vùng trồng gắn với trải nghiệm du lịch. Làm được điều đó thì quả bí phấn trắng không chỉ dừng lại ở diện tích 200ha mà sẽ tăng lên hàng nghìn ha.

Cùng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ khâu sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, quả bí phấn trắng thơm của huyện Ba Bể cũng như các sản phẩm chế biến sâu đã được bán tại Coopmart, Winmart, Lottemart; trà bí thơm, bột bí, mứt bí đi vào chuỗi các nhà hàng, quán nước...

Bà Vũ Thu Trang cho biết thêm: "Cát Tiên tự hào chế biến sâu thành công quả bí phấn trắng đặc sản, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn, giàu chất dinh dưỡng. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ sản phẩm tươi cho bà con, mà sẽ góp phần tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân". 

Cùng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ khâu sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hiện nay quả bí xanh thơm của huyện Ba Bể cũng như các sản phẩm chế biến sâu từ bí xanh đã được đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương. Tại Hà Nội và miền Nam, bí xanh thơm Ba Bể đã được bán tại Coopmart, Winmart, Lottemart; trà bí xanh thơm, bột bí, mứt bí đi vào chuỗi các nhà hàng, quán nước, trở thành thức uống "hot trend" của nhiều người tiêu dùng tại các thành phố lớn.
Thiên Ngân/ Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập57
  • Hôm nay12,180
  • Tháng hiện tại297,854
  • Tổng lượt truy cập15,438,971
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây