Vai trò của HTX nông nghiệp trong xây dựng chuỗi liên kết

Thứ ba - 24/09/2019 22:01 0
Mô hình hợp tác xã nông nghiệp ở Nghệ An hiện là cầu nối, là thành phần quan trọng trong việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân.
undefined
Quỳnh Liên là một trong những xã chuyên canh rau màu hàng hóa lớn nhất ở Nghệ An, đặc biệt là trồng su su. Xã Quỳnh Liên hiện có 65 ha diện tích trồng su su, sản lượng đạt 6.500 tấn/năm, doanh thu đạt trên 13 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 20 đầu mối thu gom sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Các sản phẩm rau màu đã tiếp cận được với thị trường Hà Nội và chợ đầu mối các tỉnh Huế, Đà Nẵng, Thanh Hóa…

Bảo quản sản phẩm su su của HTX trước khi xuất bán
Nếu như trước đây, bà con vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, chưa thực sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng hiện nay, nhờ có HTX Thành An đã nỗ lực liên doanh, liên kết, năng động tìm kiếm các đối tác, phối hợp với các ngành chuyên môn, trạm bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông tổ chức tập huấn, hội thảo, trình diễn... cho thành viên và nông dân về phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, đồng thời cung cấp các dịch vụ cho các hộ thành viên đã đăng ký với giá rẻ hơn thị trường 5%, cho mua nợ không tính lãi trong thời gian nhất định hoặc đến cuối vụ thanh toán... Chị Hồ Thị Hạnh, xóm 7, cho biết: Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên trồng rau màu an toàn mang lại thu nhập cao gấp hơn 5 lần so với trồng lúa trước đó. Chúng tôi cũng rất vui vì không phải lo việc tiêu thụ sản phẩm, giờ chỉ có việc sản xuất rau theo đúng quy trình VietGap mà HTX hướng dẫn.

Cán bộ Liên minh HTX tỉnh trao đổi với Giám đốc HTX
HTX Toàn Thắng xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu lại là một trong số những HTX bứt phá tìm hướng sản xuất mới bằng cách liên kết với doanh nghiệp đặt hàng, bao tiêu sản phẩm, nâng giá trị thu nhập cho thành viên. Từ chỗ HTX chỉ chuyên sản xuất lúa đủ phục vụ lương thực và một phần dùng làm thức ăn chăn nuôi, kinh tế hộ thành viên không phát triển, giá trị thu nhập chỉ từ 36 - 40 triệu đồng/ha/vụ, nay chuyển sang trồng các loại cây trồng khác theo hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp. Doanh thu của hộ thành viên tăng hơn so với trồng lúa từ 30 - 50%. Từ khi chuyển đổi theo Luật HTX, HTX đã tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp, đảm bảo uy tín trong xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững cho doanh nghiệp. Từ đó tổ chức sản xuất các loại sản phẩm hàng hóa nông sản theo yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Ông Lê Phúc Ân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Nghệ An hiện có 708 HTX, trong đó có 492 HTX nông nghiệp. Nhiều HTX nông nghiệp trong tỉnh ngày càng hoạt động hiệu quả, thực hiện liên kết với doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên. Giám đốc nhiều HTX tích cực, năng động trong tìm đầu ra, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; Các ngành, chính quyền địa phương ngày càng quan tâm, có nhiều hoạt động giúp nâng cao năng lực của các HTX như hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tháo gỡ khó khăn trong quá trình liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, hỗ trợ vay vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng… nhờ đó thu nhập bình quân người lao động ngày càng tăng, đạt 35-40 triệu đồng/năm, người dân trên địa bàn ngày càng tin tưởng vào HTX.
Vân Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập139
  • Hôm nay11,013
  • Tháng hiện tại29,283
  • Tổng lượt truy cập11,804,965
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây