Từ Nghị quyết 13 - đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã có cách làm mới

Thứ ba - 15/06/2021 05:52 0
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (mà nòng cốt là hợp tác xã), đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp nổi bật, điển hình với cách làm mới và thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Một mô hình liên kết sản xuất lúa sử dụng phân bón sinh học Bồ Đề 688 ở Hải Dương cho năng suất tăng từ 20-30% (Ảnh: Hồng Vân)
Thực tiễn cho thấy, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hiện nay trong nông nghiệp phát triển đa dạng, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Có thể điểm một số mô hình hợp tác xã tiêu biểu để phần nào minh chứng cho sự đi vào cuộc sống của Nghị quyết 13.
Mô hình hợp tác xã chuyên ngành (cây, con) dẫn dắt, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển sản xuất, tham gia chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu thị trường. Đây là mô hình rất phổ biến hiện nay. Hợp tác xã nông nghiệp có quy mô không lớn, chỉ khoảng vài chục thành viên, cùng nhau sản xuất một hay một nhóm sản phẩm nông nghiệp. Sự thôi thúc về nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa và nâng cao thu nhập khiến các hộ, trang trại phải cùng nhau hợp tác, liên kết tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn. Hợp tác xã thực thi vai trò là người tổ chức sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Tuy số lượng thành viên không nhiều nhưng quy mô, giá trị sản lượng sản phẩm của hợp tác xã lại khá lớn. Doanh thu trung bình của một hợp tác loại này có thể đạt từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/năm.
Điển hình như Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình chuyên sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu cung cấp cho siêu thị, cửa hàng nông sản và các công ty xuất nhập khẩu thực phẩm và liên kết với Tập đoàn Alibaba để xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài. Hoặc như Hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất và Thương mại Sáu Nhung, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum trồng cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGAP áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, tưới tiêu phun mưa tự động, thực hiện liên kết với Công ty An Phát. Hoặc như Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên, tỉnh Sơn La đã ký hợp đồng liên kết với nhiều siêu thị trên thị trường Hà Nội...
Hợp tác xã đảm nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị: Trong khi đa số các hợp tác xã nông nghiệp chỉ cung cấp các dịch vụ phục sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm cho thành viên thì các hợp tác xã thuộc mô hình loại này có thể đảm nhận nhiều khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm như: tổ chức sản xuất tập trung, nhất là sản xuất cây con giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tổ chức chế biến, bảo quản, phân phối, xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm riêng của hợp tác xã và xuất khẩu sản phẩm. Doanh thu của các hợp tác xã loại này khá lớn, từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng/năm. Các hợp tác xã này thường có đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn khá chuyên nghiệp. Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh như kho bãi, nhà xưởng, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến, thương mại cũng được đầu tư rất lớn. Điển hình như Hợp tác xã bò sữa Evergrowth, Sóc Trăng thành lập với sự hỗ trợ của Tổ chức Socodevi (Canada) để nuôi bò sữa, đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động nhà máy trộn thức ăn tinh cho bò sữa. Hoặc như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, tỉnh Lâm Đồng sản xuất rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP với 60 chủng loại rau, liên kết với các siêu thị và trực tiếp tiêu thụ trên 52 tỉnh trong nước và xuất khẩu cho Hàn Quốc…
Mô hình tích tụ, tập trung đất đai thông qua hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao. Đây được xem điểm sáng về tập trung ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn hiệu quả. Đất đai của các thành viên hợp tác xã vẫn do cá nhân hộ sở hữu những được các thành viên cam kết góp chung vào hợp tác xã theo thời hạn quy định (thường là không dưới 10 năm) để hợp tác xã xây dựng kế hoạch đầu tư và sản xuất chung. Thành viên hợp tác xã sau khi giao đất cho hợp tác xã, hợp tác xã có toàn quyền quyết định sử dụng đất đó vào mục đích sản xuất nông nghiệp; còn người sở hữu đất được ưu tiên tham gia làm việc cho hợp tác xã và được trả công. Hợp tác xã thông thường sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất để đạt giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích cao hơn. Vốn đầu tư và doanh thu của các hợp tác xã này có thể lên đến hàng tỷ đồng. Lợi nhuận thu được của hợp tác xã sau khi trích quỹ theo quy định sẽ chia lại cho các thành viên theo tỷ lệ diện tích đất mà thành viên đã đăng ký chuyển cho hợp tác xã sử dụng (quy đổi ra cổ phần bằng tiền). Điển hình của mô hình này là Hợp tác xã Đồng Tâm 3, huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang có 10 ha đất ruộng tập trung liền bờ liền thửa trên đó xây dựng gần 1,5 ha nhà màn hiện đại, canh tác trên giá thể và có hệ thống tưới tiết kiệm nước, suất đầu tư của mỗi ha nhà màn này lên đến 6 tỷ đồng/ha, diện tích còn lại là khu ruộng không có bờ con, liền trong một thửa trồng rau màu áp dụng quy trình canh tác hữu cơ vi sinh, giảm tối đa việc sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu…
Mô hình doanh nghiệp trong cùng chuỗi là thành viên hợp tác xã. Đây là mô hình của hợp tác xã có nhiều doanh nghiệp (pháp nhân) trong cùng chuỗi gía trị tham gia vào hợp tác xã với tư cách là thành viên liên kết. Các doanh nghiệp là thành viên liên kết của hợp tác xã vẫn hạch toán độc lập nhưng liên kết chặt chẽ với các thành viên của hợp tác xã và có nhiều chính sách ưu đãi trong thành viên hợp tác xã. Các doanh nghiệp chỉ đóng góp phần vốn rất nhỏ cho hợp tác xã để điều hành hoạt động và không biểu quyết trong Đại hội thành viên hợp tác xã. Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là sự ổn định trong sản xuất và kinh doanh với hộ sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nhờ giảm đáng kể giá thành sản phẩm của hợp tác xã. Điển hình của mô hình này như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Thành Phát huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã hợp tác với 4 công ty cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra (thức ăn chăn nuôi, gà giống, thuốc thú y, giết mổ và xuất khẩu thịt gà) thành lập một hợp tác xã với 28 thành viên, trong đó có 24 trại chăn nuôi gà thịt xuất khẩu của thành viên hợp tác xã Liên hiệp hợp tác xã an toàn sinh học, huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình…
Mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao và ứng phó với biến đổi khi hậu: Ở những vùng chịu tác động nhiều của biến đổi khí hậu, như đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay nhiều hợp tác xã hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ đưa các thiết bị, công nghệ tự động đo đạc quan trắc môi trường, vật tư, giống, phân bón thông minh vào sản xuất để hạn chế rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn nghiên cứu bố trí lại mùa vụ, xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; xúc tiến thương mại các sản phẩm an toàn, hữu cơ, sinh thái của hợp tác xã. Điển hình của mô hình này như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Công ty cổ phần Rynan Fertilizers (Trà Vinh) thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa thông minh trên diện tích 7,6ha có sử dụng máy cấy 3 trong 1 giúp tiết kiệm chi phí, cùng với đó là trang bị hệ thống cảm ứng mực nước thông minh để giúp nông dân theo dõi mực nước cần sử dụng cho lúa…
Mô hình hợp tác xã phát triển sản phẩm bản địa OCOP kết hợp với du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây là các hợp tác xã phát triển ở các địa phương có nhiều ưu thế về nông nghiệp bản địa và du lịch nông thôn. Hợp tác xã đứng ra vận động người dân sản xuất các sản phẩm đặc sản của địa phương theo quy trình sản xuất bản địa kết hợp với các dịch vụ khác ở nông thôn, đặc biệt là du lịch nông thôn. Quy mô vốn, doanh thu của hợp tác xã tuy không cao (từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng), nhưng hợp tác xã đã tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, nhất là ở các vùng khó khăn. Hợp tác xã còn giúp cho các địa phương khai thác các lợi thế, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn. Điển hình cho mô hình này là các hợp tác xã Pò Mỷ, huyện Đồng Văn; hợp tác xã Nặm Đăm, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang…
Từ những mô hình trên có thể thấy, hiệu quả việc triển khai Nghị quyết 13 trong ngành nông nghiệp là khá rõ nét và toàn diện, từ việc chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết của việc phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp đến những vấn đề đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp./.
Hồng Vân
 

Nguồn tin: Theo Đảng cộng sản Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay16,039
  • Tháng hiện tại320,668
  • Tổng lượt truy cập15,461,785
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây