Làm gì để phát huy hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở Nghệ An?

Thứ sáu - 22/04/2022 23:07 0
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ở Việt Nam cũng như hàng chục nước trên thế giới được lấy cảm hứng và học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản (bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước).
Mỗi làng một sản phẩm (One village, one product) là một chương trình phát triển theo khu vực ở Nhật Bản. Nó được khởi xướng bởi tiến sỹ Morihiko Hiramatsu vào năm 1979 khi ông làm Thống đốc tỉnh Oita. Tham gia OVOP, mỗi làng sẽ chọn và sản xuất một hoặc một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Sự tập trung sản xuất kèm với tập trung tài chính và nhân lực sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm có chất lượng và có tính cạnh tranh cao, qua đó góp phần tăng doanh thu và cải thiện cuộc sống của người dân. Phong trào được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc chính: Tận dụng các tiềm năng, nguồn lực tại chỗ để tạo ra các sản phẩm đặc sản có giá trị gia tăng cao; Giúp người dân nhận thức rõ tiềm năng và tối đa hóa tiềm năng bằng tinh thần tự lực và sáng tạo; và phát triển nguồn nhân lực là mục tiêu quan trọng nhất.
 
Một số sản phẩm tiêu biểu của Nghệ An trên sàn giao dịch thương mại điện tử (Ảnh: Internet)

Ở Việt Nam, sau khi thử nghiệm ở một số tỉnh, đặc biệt là sau thành công của tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và triển khai trên địa bàn toàn quốc.
Nghệ An không nằm trong nhóm các tỉnh thực hiện mô hình thử nghiệm, tuy nhiên, ngay từ năm 2015, trong quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2015 - 2020 và tính đến năm 2025, UBND tỉnh đã đề ra Chương trình 100 sản phẩm. Theo đó, Sở Khoa học và công nghệ chỉ đạo mỗi huyện lựa chọn 5 sản phẩm đặc sản của mình để phối hợp cùng với Sở triển khai các nhiệm vụ tác động khoa học kỹ thuật theo chuỗi giá trị từ khâu giống, canh tác, chế biến, công bố chất lượng, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, quảng bá… Trong vòng 5 năm, trên 100 các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được Sở Khoa học và công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương cùng các huyện thành thị hỗ trợ phát triển. Chính nhờ vậy, ngay năm 2019, trong đợt bình chọn xếp hạng sản phẩm Nghệ An đã có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao; năm 2020 có 11 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, 56 sản phẩm 3 sao; và gần đây trong năm 2021 có 125 sản phẩm đạt 3 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao và đặc biệt có 1 sản phẩm được xếp hạng 5 sao, đó là Đèn lồng mây tre của Công ty TNHH Đức Phong. Các sản phẩm được xếp hạng OCOP của Nghệ An khá đa dạng, phong phú, từ sản phẩm truyền thống như Mây tre đan, Nhút, Tương, Nước mắm, Hương trầm, Chè, Thổ cẩm, Lạc, Cam, Chanh, rượu trắng, rượu men lá… đến các sản phẩm mới sáng tạo như các sản phẩm Trà chế biến từ thảo dược (sen, cà gai leo, gạo đen, trà hoa vàng..); sản phẩm thực phẩm (Giò me, Ngũ cốc dinh dưỡng, Bê xông khói, Miến lươn ăn liền, Mỳ rau, Chả cá, củ quả sấy, bánh các loại…) dược liệu (Nghệ sữa ong chúa, Tảo xoắn, Đông trùng hạ thảo, Nhung hươu, Nato Kinaza…), đồ uống (rượu Mú từn,..), mỹ phẩm (Dầu gội..)… Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, hộ kinh doanh đã làm quen dần và biết đến những điều cốt yếu gắn liền với sản phẩm là quy trình công nghệ, tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến, đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn mác bao bì, mã số, mã vạch, mã QR,… Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, kết nối cung cầu thương mại,… nhiều sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, tìm mua, được các siêu thị, sàn thương mại điện tử đưa lên kệ hàng, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài như sản phẩm của Công ty TNHH Đức Phong với sản phẩm mây tre đan, công ty Hà Duy Minh với thương hiệu dầu gội Comeon, công ty NAP với sản phẩm Miến lươn ăn liền… Đặc biệt, thông qua các hoạt động của Chương trình, mô hình tổ chức hoạt động của các công ty, các Hợp tác xã được củng cố, ngày càng thể hiện rõ hơn tính kết nối với cộng đồng nông dân trong vùng. Phong trào này không chỉ có ở thành phố, đồng bằng mà lan toả mạnh ở các huyện miền núi. HĐND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy chương trình OCOP như hỗ trợ xây dựng các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thưởng cho các sản phẩm đạt 3 sao trở lên, hỗ trợ đổi mới công nghệ thiết bị, hỗ trợ tem nhãn… Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhưng trên 5 tỷ đồng đã được giải ngân.
 
Sản phẩm mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong (Ảnh: Internet)

Có thể nói, Chương trình OCOP của Nghệ An đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống Nhân dân và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu, ý nghĩa và phát huy hiệu quả của Chương trình, chúng tôi đề xuất cần tiếp tục triển khai một số vấn đề như sau:
Cần tiếp tục và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, nhất là cấp xã và Nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa, nguyên tắc và quy trình triển khai của Chương trình OCOP. Đặc biệt là làm rõ đây là chương trình phát triển kinh tế vùng dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng. Tránh tình trạng làm theo tư duy “phong trào”, “bắt chước”, dẫn đến tình trạng trùng lắp nhiều sản phẩm, thiếu sự khác biệt, cạnh tranh thiếu lành mạnh không đáng có, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của chính quyền cơ sở trong việc khơi gợi ý tưởng của cộng đồng dân cư ở các thôn bản để tìm sự khác biệt về thổ nhưỡng, cây trồng vật nuôi, tri thức bản địa, truyền thống,.. để lựa chọn sản phẩm có tính độc đáo, khác biệt. Các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà tư vấn giúp chính quyền cơ sở và Nhân dân về tiềm năng phát triển của sản phẩm, về giá trị gia tăng, thị trường, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật mới… Từ đó, mỗi xã chọn cho mình một hay một số sản phẩm riêng cho mình để tập trung chỉ đạo (Tuy nhiên không nên nhiều sản phẩm trong một giai đoạn ngắn vì dễ gây xung đột về quy hoạch phát triển). Nếu có nhiều hơn một xã có chung một sản phẩm (ví dụ Khoai sọ ở Kỳ Sơn, hay Trà Hoa vàng ở Quế Phong, Quỳ Châu,..) thì nên có sự thống nhất chung về tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng thương hiệu chung.
Trong thời gian qua, bên cạnh đã có một số sản phẩm mới, sáng tạo đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, thì hầu hết là các sản phẩm đã được xếp hạng đều trên cơ sở hoàn thiện và chuẩn hoá sản phẩm đã có. Do vậy, để duy trì thường xuyên, liên tục đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới cần tổ chức các cuộc thi ý tưởng xây dựng các dự án phát triển sản phẩm OCOP trong tất cả các tầng lớp Nhân dân. Trên cơ sở lựa chọn các ý tưởng tốt, sáng tạo, có tiềm năng phát triển và tính tác động cộng đồng cao để tổ chức tư vấn hoàn thiện dự án, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tổ chức sản xuất và quy hoạch vùng sản xuất, ươm tạo doanh nghiệp, thị trường… để hình thành các sản phẩm OCOP sáng tạo, có giá trị gia tăng và tính bứt phá cao. Gắn cuộc thi này với phong trào Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở thanh niên, sinh viên. Đặc biệt ưu tiên các ý tưởng sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu gắn liền với đặc sản vùng miền, với tri thức bản địa, với truyền thống và câu chuyện văn hoá lịch sử để kết hợp phát triển du lịch nhằm chuyển tải sản phẩm và văn hoá ra với thế giới với quan điểm “ Think Globally, Act Locally” (Hành động địa phương, Tư duy toàn cầu).
 
Sản phẩm rau mùi ở xã Diễn Thái (huyện Diễn Châu) được gắn 3 sao của chương trình OCOP năm 2020 và đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản

Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ và hoạt động khuyến công, khuyến nông ở địa phương để hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới thiết bị công nghệ, từng bước áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc... Đổi mới, cải tiến mẫu mã bao bì nhãn mác theo hướng đẹp, an toàn, tiện lợi.
Gắn với hoạt động khoa học và công nghệ là tăng cường đào tạo tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là về quản trị doanh nghiệp, HTX, quản trị kinh doanh, kỹ thuật, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn vệ sinh thực phẩm, thương mại,… Các cơ quan nhà nước hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, áp dụng tiêu chuẩn, quy hoạch vùng nguyên liệu,..
Về mô hình tổ chức sản xuất, cần ưu tiên phát triển mô hình “doanh nghiệp nằm trong hợp tác xã”, trong đó doanh nghiệp là thành viên HTX thực hiện vai trò dẫn dắt, kết nối thị trường, áp dụng và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, thu mua, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu.. Đây là mô hình đã được thí điểm thành công ở Nghệ An và cũng rất phù hợp với đặc điểm sở hữu đất đai ở nông thôn Việt Nam.
Về chính sách, bên cạnh chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành, cần có cơ chế, tư vấn, hướng dẫn để kết nối với các chính sách khác trong ngành nông nghiệp và công thương như: chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị, áp dụng tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, Hữu cơ…,cơ giới hoá nông nghiệp, thương mại điện tử, ..., cũng như cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó là cơ chế vay vốn thương mại làm sao để thuận lợi nhất.
 
Các sản phẩm được xếp hạng OCOP của Nghệ An khá đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài tỉnh (Ảnh: Internet)

Đặc biệt là vấn đề tiếp cận đất đai ở nông thôn cần sớm có hướng dẫn để tháo gỡ, bởi các xã, mặc dù đã có quy hoạch nông thôn mới, nhưng hầu như phần lớn chưa có đất quy hoạch dành cho phát triển tiểu thủ công nghiệp. Đây là điều vướng mắc nhất và cũng khó khăn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, HTX chế biến,.. ở nông thôn. Nó không những ảnh hưởng đến phát triển doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến vấn đề môi trường, an sinh,…
Chương trình mỗi xã một sản phẩm là một chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, của từng sản phẩm, dịch vụ. Trong bối cảnh hội nhập của đất nước, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đây là hướng đi nhằm tạo thế “cạnh tranh không cần cạnh tranh” nhờ sự khác biệt và độc đáo của sản phẩm. Hy vọng rằng, mỗi sản phẩm OCOP là một “kho vàng của mỗi địa phương”.
Trần Quốc Thành

Nguồn tin: Theo Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập114
  • Hôm nay15,356
  • Tháng hiện tại285,610
  • Tổng lượt truy cập15,006,668
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây