Vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An gồm ở 11 huyện, thị xã, hiện có 279 HTX, chiếm 35% số lượng HTX trên toàn tỉnh. Trong đó có 221 HTX nông, lâm nghiệp; 23 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề; 7 HTX vận tải; 15 HTX thương mại, dịch vụ và chợ; 4 HTX xây dựng; 2 HTX môi trường; 7 quỹ tín dụng dụng nhân dân...
Tính đến nay số lượng HTX cả tỉnh Nghệ An là 830 đơn vị, hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ thương mại; xây dựng; vận tải; môi trường và tín dụng.
Thông qua chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, các sản phẩm của các HTX ở Nghệ An đã được mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, như sản phẩm mây tre đan, hàng thổ cẩm, hàng nông sản (tương Nam Đàn; nước mắm Ngư Hải; nước mắm Quỳnh Dị, tinh bột nghệ Thái Hòa, Cam Vinh...).
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt 05 dự án xây dựng cánh đồng lớn do các HTX thực hiện trên địa bàn 4 huyện (Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Tân Kỳ) với gần 2.000 hộ tham gia, tạo ra sức lan tỏa lớn nhằm thay đổi tư duy về liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ thành viên, hợp tác xã.
Một số mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nổi bật, điển hình với cách làm mới như: HTX sản xuất và dịch vụ Sông Lam (thị xã Cửa Lò) đa dạng trong ngành nghề kinh doanh, như xăng dầu, nhà hàng, xuất khẩu lao động, các sản phẩm chế biến hải sản (nước mắm, ruốc, cá...); Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Nghệ An (XanhMark), được thành lập từ năm 2016, gồm có 8 HTX thành viên và 7 lao động thường xuyên làm việc tại liên hiệp HTX; Liên hiệp HTX đã chú trọng đổi mới hình thức hoạt động, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn của HTX thành viên ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, có giá trị, như rau củ quả sạch, hải sản chế biến, nông sản chế biến...
Biểu đồ thể hiện biến động số lượng thành viên, lao động thường xuyên và cán bộ quản lý HTX ở Nghệ An hiện nay so với thời điểm 31/12/2001.
Ngoài điển hình nêu trên, còn có các HTX khác đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất, như sản xuất dược liệu ở HTX Phù Mát, HTX Trà Lân (Con Cuông), HTX Tinh bột sắn dây, HTX CNC Chanh Nam Kim, HTX Sen quê Bác (Nam Đàn), HTX Măng tây (Quỳnh Lưu), HTX NN dịch vụ tổng hợp Thọ Thành (Yên Thành); HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Lâm (Quỳnh Lưu),...
Biểu đồ phân bổ tỉ lệ các ngành nghề HTX khu vực đồng bào DTTS ở tỉnh Nghệ An.
Đặc biệt, các HTX trong vùng đồng bào DTTS đã phát huy được vai trò trong hỗ trợ người dân, là cầu nối quy tụ, tập hợp những người sản xuất vào HTX, đưa ra mô hình sản xuất và tạo ra sản phẩm có quy mô lớn hơn; đồng thời làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường và cung ứng các dịch vụ đầu vào cho người sản xuất.
Thông qua việc thành lập và hoạt động của HTX góp phần khai thác, phát huy lợi thế kinh tế của rừng vùng miền, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi hình thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Đơn cử, ở huyện Con Cuông, trên địa bàn hiện có 37 HTX, trong đó có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong đó, một số HTX đã xây dựng được sự kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên, như: HTX cây con xã Chi Khê; HTX dịch vụ ăn uống du lịch cộng đồng, bản khe Rạn; HTX mây tre đan Bản Diềm, xã Châu Khê...
Đặc biệt, ở HTX Dược liệu Pù Mát sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, trồng cây nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thành các sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ, gồm trà dược liệu túi lọc và cao cà gai leo, dây thìa canh; trà hoà tan dây thìa canh, cà gai leo; trà dược liệu giảo cổ lam. HTX hiện thu hút 89 thành viên là các hộ dân tham gia vào chuỗi sản xuất với diện tích hơn 15 ha nguyên liệu và mục tiêu trong năm 2022 này tiếp tục mở rộng lên 32 ha với 120 thành viên tại 7 xã trên địa bàn huyện.
Ở huyện Quế Phong, nhiều HTX đã khẳng định được vai trò của mình. Như HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na (huyện Quế Phong), từ sản xuất đơn lẻ và quy mô nhỏ, mỗi hộ chỉ có ít lồng cá, sau khi thành lập HTX vào năm 2019, các hộ dân tham gia vào HTX được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách lồng nuôi từ Nhà nước, đặc biệt là tìm mối đầu ra cho con cá.
Các hộ dân là thành viên HTX đã đầu tư thêm lồng nuôi, hộ ít nhất là 10 lồng, hộ nhiều nhất là 70 lồng và từ 20 thành viên nay phát triển lên 32 thành viên. Từ chỉ biết làm nương rẫy và đánh bắt cá trên các dòng suối và lòng hồ thuỷ điện Hủa Na, nhiều hộ dân đang chuyển sang nuôi cá hàng hoá (gồm cá leo, cá lăng đen, cá lăng đuôi đỏ, cá trắm, cá bọp, cá vược…), đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho các gia đình. Thị trường tiêu thụ cá của HTX, không chỉ trong nội huyện mà còn có mặt ở huyện Nghĩa Đàn, thành phố Vinh.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, số lượng các HTX trong vùng đồng bào DTTS ở Nghệ An vẫn được coi là ít so với số lượng HTX khác, mới chỉ chiếm 35% số lượng HTX trên toàn tỉnh. Điều này chưa tương xứng với tiềm năng về thế mạnh của khu vực này.
Bên cạnh những mặt tích cực, nhìn chung, các HTX ở vùng miền núi và đồng bào dân tộc ở Nghệ An quy mô vẫn còn nhỏ, số lượng thành viên ít. Hoạt động của HTX chủ yếu mới làm được khâu dịch vụ đầu vào, chưa làm tốt khâu đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân do các HTX đang thiếu người đứng đầu năng động, có tư duy kinh tế thị trường và chịu khó để tìm kiếm bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX cũng đang ở quy mô nhỏ, đặc biệt mô hình sản xuất và sản phẩm chưa có yếu tố nổi trội, vượt lên.
Trình độ quản trị của nhiều HTX còn yếu, phần lớn quản trị theo kinh nghiệm; khả năng tiếp cận các chính sách còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) vùng đồng bào DTTS nhìn chung vẫn còn thấp kém, nhất là đường giao thông, hệ thống thủy nông thủy lợi; mặt bằng dân trí và các điều kiện tiếp cận thông tin, thị trường sản xuất hàng hóa, tiến bộ khoa học - công nghệ của cách mạng công nghệ 4.0.
Do đó, để kinh tế tập thể, HTX vùng đồng bào DTTS ở Nghệ An đi vào thực chất, đóng góp chung vào phát triển kinh tế tập thể, HTX nói chung và kinh tế xã hội nói chung. Đề xuất một số giải pháp sau:
Một là: Phối hợp trong công tác nghiên cứu, xây dựng và đề xuất với địa phương thực hiện tốt các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về phát triển KT-XH, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi; các chính sách, chương trình dự án, đề án phát triển KT-XH; các dự án bảo tồn và phát triển với các nhóm DTTS thông qua việc phát triển HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác; Chính sách phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng DTTS và miền núi, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS, thu hút nguồn lực quốc tế để phát triển KT-XH, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi; Tập hợp ý kiến nguyện vọng của đồng bào DTTS, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác vùng DTTS và miền núi để đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển KT-XH, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi.
Hai là: Phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động phổ biến, giáo dục đồng bào DTTS về kinh tế tập thể, HTX, về ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức của đồng bào về công tác dân tộc, về phát triển kinh tế tập thể, HTX; Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án tăng cường công tác thông tin phát triển KT-XH, tư vấn, vận động phát triển HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, xây dựng và tôn vinh tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong công tác dân tộc và trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; Xây dựng hệ thống tiêu chí thống kê, cơ sở dữ liệu về KT-XH, kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi.
Ba là: Phối hợp trong công tác đào tạo bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp vùng DTTS và miền núi về phát triển KT-XH, phát triển kinh tế tập thể, HTX; Đào tạo bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thôn, bản về quản trị HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các dự án phát triển cộng đồng; Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người DTTS trong thời kỳ mới” theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Bốn là: Phối hợp triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ dự án, đề án của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.