Thời gian qua, từ trung ương và tỉnh đã có rất nhiều chính sách, nghị quyết, kế hoạch, đề án định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác nói chung và mô hình hợp tác xã nói riêng. Đội ngũ các doanh nghiệp, doanh nhân đã rất nỗ lực vượt khó và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây, chúng ta đã có hơn 130 sản phẩm OCOP được chế biến từ nông sản có mặt trên rất nhiều thị trường cả trong nước, được người tiêu dùng đón nhận như tinh bột nghệ, trà sen, thổ cẩm, chè hoa vàng vv .... Đó là sự nỗ lực, sáng tạo vô cùng lớn của các doanh nghiệp. Chính hoạt động của các hợp tác xã đã góp phần kết nối giữa sản xuất nông sản của người nông dân với thị trường bên ngoài, giữa nông dân và doanh nghiệp, nông dân và thị trường; là cầu nối có hiệu quả để nâng giá trị nông sản của người nông dân lên gấp nhiều lần.
Đặc biệt, hai năm gần đây, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, thị trường, thời tiết không thuận, ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động của các đơn vị... Gần 100 nghìn lao động từ các tỉnh phía Nam trở về Nghệ An và hàng chục ngàn lao động trên địa bàn mất việc làm do đại dịch. Nhưng chúng ta đã vượt qua và đời sống người dân không có sự xáo trộn quá lớn. Chính mô hình hợp tác xã và hoạt động của Doanh nghiệp nói chung đã góp phần rất lớn trong vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định đời sống xã hội trong và sau đại dịch Covid-19.
Luật hợp tác xã 2012 nêu rất rõ: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã...”. Mô hình Hợp tác xã hiện nay là mô hình mang tính xã hội nhân văn rất lớn, tự chủ, đồng hành, chia sẻ lẫn nhau; tạo một nền tảng phát triển nền kinh tế bền vững.
Ngày 11/4/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Nông dân giàu thì nước giàu, Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã” “... hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều. Các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh trong nhiều năm qua đều đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể.
Đối với Nghệ An, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên những nét đặc trưng cho rất nhiều nông sản của chúng ta; sản phẩm đầu vào hợp tác xã rất phong phú; con người xứ Nghệ được bạn bè nể phục vì sự cần cù, chịu khó, hiếu học. Năm 2021 chúng ta đã có 139 sản phẩm OCOP của 88 chủ thể... Câu hỏi đặt ra là tại sao các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu tốt của chúng ta chưa vào được các thị trường lớn, các siêu thị như Lotte, Masan... ? Vẫn còn có những sản phẩm vốn là thế mạnh truyền thống của chúng ta đã và đang bị cạnh tranh ngay trên sân nhà, phải giải cứu...
Trong khuôn khổ Hội nghị này, tôi xin đề cập đến một số vấn đề mà chúng ta cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ cho hoạt động của HTX nói riêng, của doanh nghiệp nói chung trong thời gian tới:
Vấn đề thứ nhất là về sản phẩm. Chúng ta cần trả lời và tìm đáp án cho câu hỏi: Sản phẩm chúng ta đã tốt chưa? đã đẹp chưa? Khâu sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu không chỉ “ tốt gỗ” mà cần “ tốt nước sơn” của thị trường- khách hàng chưa? Có thể nhận thấy, bên cạnh chất lượng đã được ghi nhận, nhiều sản phẩm OCOP của Nghệ An cần hướng tới đẹp hơn, tiện ích hơn cho người tiêu dùng. Trong điều kiện hiện nay, các thiết bị công nghệ hoàn toàn đáp ứng được điều đó, nếu nhà sản xuất sẵn sàng đầu tư và nắm bắt được kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Vấn đề thứ hai là cần tiếp thị như thế nào để sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách thân thiện nhất, hiệu quả nhất. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào việc đổi mới tư duy, nhận thức về số hóa trong kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặt khác, thiết nghĩ cần nhận thức rằng: việc tiếp thị sản phẩm không chỉ là một khâu quan trọng trong sản xuất đến thị trường của doanh nghiệp, mà đó còn là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền, đoàn thể các cấp. Có như vậy thì các sản phẩm OCOP của Nghệ An mới ra được thị trường ngoài tỉnh và nước ngoài; có như vậy thì doanh nghiệp, HTX Nghệ An mới được tiếp thêm sức mạnh để vươn ra biển lớn.
Vấn đề thứ 3 là năng lực hợp tác của chúng ta đã tốt chưa? Lâu nay một số nhà nghiên cứu đánh giá: người Nghệ giỏi về nhiều mặt; có một số hạn chế, hạn chế nhất là khả năng hợp tác trong làm ăn. Thực tế, qua cuộc khảo sát về đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh vừa qua cho thấy: việc hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề còn có khoảng cách rất xa. Có câu châm ngôn mà chắc mọi người đều nhớ: muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì cần đi cùng nhau. Cạnh đó, kỹ năng giao tiếp, tiếp thị của người Nghệ phải chăng cũng đang là một lực cản trong kinh doanh?. Học giả Nguyễn Trần Bạt đã từng mong mỏi, đề xuất: “làm sao cho người Nghệ duyên dáng hơn, hấp dẫn hơn”. Đó là một vấn đề đáng để cho người Nghệ, các doanh nghiệp, doanh nhân hôm nay nên suy ngẫm.
Về phía chính quyền, lãnh đạo HĐND tỉnh sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp đối với những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi chính sách để các nghị quyết của HĐND tỉnh sát hơn với đời sống, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, cho người lao động. Mục đích cao nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa của chúng ta tốt hơn, đẹp hơn, được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi hơn; qua đó doanh nghiệp phát triển hơn, đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện tốt hơn. Đó cũng là giải pháp lớn để thực hiện được mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
Theo ĐBND tỉnh Nghệ An
Ý kiến bạn đọc