Tính đến tháng 9/2021, cả nước có 26.593 HTX (17.363 HTX nông nghiệp, 8.042 HTX phi nông nghiệp, 1.188 quỹ TDNN), 106 liên hiệp HTX và 119.670 tổ hợp tác, thu hút hơn 8 triệu thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là đại diện hộ gia đình, tác động đến đời sống và thu nhập của khoảng 30 triệu người, đóng góp trực tiếp vào GDP trung bình khoảng 4,8%, đóng góp trực tiếp và gián tiếp gần 30% GDP. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành hàng trái cây là thế mạnh và có nhiều tiềm năng về sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2030 theo Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 ban hành theo Quyết định số 417/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Sản xuất và chế biến rau quả phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững, đáp ứng được nhu cầu thị trường tiêu thụ; có trình độ công nghệ tiên tiến được gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao; góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới; giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 đến 10 tỷ USD. Nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 đến năm 2025 và đạt tới 585,25 tỷ USD vào năm 2025.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu hàng rau quả của thế giới quý I/2021 đạt 70,1 tỷ USD, tăng 5% so với quý I/2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới. Đây là cơ hội để các HTX đẩy mạnh xuất khẩu trái cây trong thời gian tới. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –Eu (EVFTA), rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.
Để triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển nền kinh tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19 theo các Nghị quyết của Chính phủ; khu vực kinh tế tập thể, HTX phát huy tinh thần yêu nước và giá trị “Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng, dân chủ không có đói nghèo”, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Hội nghị diễn ra với hình thức trực tuyến, điểm cầu chính tại Hội trường của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kết nối với các điểm cầu trong và ngoài nước. Hội nghị có sự tham dự của 300 đại biểu trong và ngoài nước gồm Tham tán thương mại các nước Anh, Trung Quốc, Nga, Australia, Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Pakistan, Các tiểu vương quốc Ả rập thốn nhất, hơn 200 hợp tác xã sản xuất trái cây trong nước và 40 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây trong và ngoài nước.
Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm chia sẻ và cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận và kết nối cung cầu, hỗ trợ thúc đẩy khu vực HTX tiếp cận các thị trường để tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam.