Liên minh Hợp tác xã Nghệ An

https://lienminhhoptacxanghean.org.vn


Chuyển đổi số - động lực phát triển kinh tế tập thể, HTX trong kỷ nguyên mới

Đang có rất nhiều cơ hội, thuận lợi lớn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX ứng dụng chuyển đổi số trong nền kinh tế số ở Việt Nam, được ví như động lực cho phát triển trong kỷ nguyên mới, nhưng song song đó cũng có nhiều thách thức không nhỏ. Vì thế, khi chuyển đổi số trong mô hình kinh tế hợp tác đòi hỏi phải hoàn thiện môi trường pháp lý một cách toàn diện, nhất là cần đột phá ở khâu chính sách một cách cụ thể để tạo bước chuyển nhanh, thích ứng tốt với xu thế, thực sự hướng đến lợi ích của các thành viên HTX.

Xét về cơ hội cho việc chuyển đổi số và thích ứng với kinh tế số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX như hiện nay, cần nhìn đến những yếu tố thuận lợi chung. Thứ nhất, đó là hạ tầng về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) ở trong nước ngày càng được hoàn thiện, phát triển với tốc độ nhanh. Đơn cử như thời gian qua có nhiều HTX đã trang bị máy tính PC, laptop và các thiết bị di động để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cơ hội nhiều, thách thức không nhỏ

Đối với khu vực kinh tế hợp tác, ICT được cho là sẽ giúp các HTX chuyển từ cạnh tranh về chi phí nhân công thấp và tài nguyên thiên nhiên sang cạnh tranh về lợi thế so sánh của hàng hoá và dịch vụ dựa trên giá trị tri thức, có giá trị gia tăng cao.

-9046-1663729049.jpg

Một HTX trồng rau thuỷ canh ở Tp. Thủ Đức (Tp.HCM) ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số ở hệ thống tưới tiêu không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tiết kiệm nguồn nước.

Thứ hai là sự phát triển của thương mại điện tử, chính phủ điện tử. Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển bởi hiện tại hơn 70% dân số Việt Nam đã sử dụng điện thoại thông minh, trong đó 70% thuê bao di động đang sử dụng mạng 3G, 4G.

Thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25% -30%/năm, dự tính sẽ đạt mốc 50 tỷ USD chiếm khoảng 12% thị trường bán lẻ trong nước đến năm 2025.

Thứ ba, sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước, cũng như trong khu vực kinh tế tập thể, HTX đối với việc xây dựng nền kinh tế số. Nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trong đó có nhấn mạnh đến việc hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít thách thức cho việc chuyển đổi số ở khu vực kinh tế tập thể, HTX. Đặc biệt, hiện nay có nhiều HTX vẫn chưa đủ điều kiện, cơ sở vật chất để ứng dụng quản lý trên phần mềm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Nội lực HTX còn yếu, chưa sẵn sàng cho việc thích ứng với những thay đổi mang tính khách quan, như việc cải tiến quy trình quản lý, sản xuất, áp dụng công nghệ mới hay công cuộc chuyển đổi đều rất hạn chế.

Số lượng HTX tham gia tiến trình chuyển đổi số còn rất ít, chưa quy củ. Nguyên nhân là do nhiều HTX chưa nhận thức được tầm quan trọng của công việc này. Năng lực, trình độ số hóa, công nghệ thông tin của cán bộ quản lý HTX hạn chế, hạ tầng liên quan thì lạc hậu…

Đơn cử như ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 18 tỉnh từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên, theo khảo sát hồi tháng 4/2022 cho thấy toàn khu vực có hơn 700 HTX bước đầu thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, mới đạt gần 10% tổng số HTX hoạt động. Thế nhưng quá trình này chưa thật sự vững chắc vì quy mô HTX còn nhỏ, hàng hóa cạnh tranh còn yếu trên thị trường. Đây là thách thức lớn đối với các HTX trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Hơn nữa, các chương trình hỗ trợ HTX thực hiện chuyển đổi số còn hạn chế trong khi muốn ứng dụng chuyển đổi số, HTX rất cần có nguồn vốn ổn định, dài hạn để đầu tư tổng thể. Môi trường pháp lý cho chuyển đổi số cho các khu vực kinh tế nói chung và cho chuyển đổi số ở khu vực kinh tế tập thể, HTX nói riêng vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện.

Bên cạnh cơ hội đan xen thách thức như vậy, cần thấy vai trò lớn của các mô hình kinh tế hợp tác trong kỷ nguyên số. Theo báo cáo năm 2021 của Liên minh HTX quốc tế (ICA), HTX liên tục phát triển ở các nước phát triển và đang phát triển, đến nay có hơn 3 triệu HTX, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm lương thực thực phẩm cho hơn một nửa dân số thế giới.

Còn ở Việt Nam, số liệu năm 2021 cho thấy cả nước có 26.823 HTX, 120.319 tổ hợp tác và 106 liên hiệp HTX, thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham gia, gần 60% HTX hoạt động có hiệu quả. Bộ phận lớn HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, giảm chi phí sản xuất và ổn định hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp tăng trưởng kinh tế bền vững, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.

Số liệu thống kê năm 2021 cũng ghi nhận cả nước có 44,5% số HTX nông nghiệp sử dụng internet và 26,1% số HTX sử dụng internet để tham gia bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Hiện nay có 18,3% số HTX sử dụng phần mềm quản lý. Đây là những con số còn khiêm tốn, nhưng đã phần nào cho thấy nỗ lực vươn lên tiếp cận và bước đầu làm chủ công nghệ 4.0 của khu vực HTX nông nghiệp.

Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động chuyển đổi số ở khu vực kinh tế tập thể, HTX, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, chính sách của Nhà nước nên sát sườn hơn trong việc đưa công nghệ số vào các HTX. Nhất là khâu chính sách cần làm sao cho khu vực kinh tế tập thể, HTX có sự thay đổi về mặt nhận thức chuyển đổi số thì sẽ có sự chuyển biến đột phá.

Đột phá, cụ thể hóa ở khâu chính sách

Theo ông Dũng, muốn khu vực kinh tế tập thể, HTX có chuyển biến mang tính đột phá về chuyển đổi số thì chỉ có cách là ứng dụng công nghệ số, tăng đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư về con người, triển khai các giải pháp kỹ thuật mới. Điều này đặt trong bối cảnh thế giới có rất nhiều công nghệ số hỗ trợ cho việc sản xuất để đưa vào chuỗi hỗ trợ tăng trưởng.

-9555-1663729049.jpg

Các HTX nông nghiệp cần thấy rõ chỉ có chuyển đổi số mới giúp giảm được giá thành, giảm được chi phí khi làm ra sản phẩm nông sản. 

“Với việc trong cả nước có 70% HTX là HTX nông nghiệp thì các HTX nông nghiệp cũng cần phải thấy rõ, chỉ có chuyển đổi số và R&D thì mới giúp cho họ giảm được giá thành, giảm được chi phí khi làm ra sản phẩm nông sản. Khi bán nông sản ra thị trường, ngoài vấn đề về chất lượng, sản lượng thì người mua còn so đo với giá cả. Cho nên các HTX nông nghiệp nên xem việc đầu tư cho chuyển đổi số, cho R&D sẽ giúp mình tiết giảm tối thiểu các chi phí, nhất là những chi phí không cần thiết, lãng phí sẽ được loại trừ”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia lưu ý một khi Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề cập đến việc hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, HTX đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thì cũng cần cụ thể hoá chính sách hỗ trợ này. Theo đó, Chính phủ nên có chính sách tạo môi trường và nhu cầu, đẩy mạnh hỗ trợ cho các HTX chuyển sang nền kinh tế số. Nhất là cần ban hành cơ chế cụ thể và thật rõ ràng cho HTX thực hiện chuyển đổi số. Cơ chế đó phải làm sao "đánh thức" được HTX và tốt nhất là hỗ trợ sau đầu tư khi có những kết quả rõ ràng.

Trên thực tế, liên quan đến cơ chế, chính sách, hiện nay vẫn chưa có hỗ trợ trực tiếp nào dành cho các HTX trong quá trình chuyển đổi số. Các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ HTX tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn còn khá hạn chế. Điều này khiến công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX ở nhiều địa phương chưa đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Vì vậy, điều đầu tiên cần chú trọng là xây dựng nền tảng, thể chế cho khu vực kinh tế tập thể trong việc chuyển đổi số, trong đó cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho khu vực này đang có nhiều mô hình mới có liên quan đến công nghệ số.

Hơn nữa, khâu chính sách cần hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số. Chẳng hạn như việc hình thành đội ngũ chuyên ngành thương mại điện tử, an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông... nhằm chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm trên môi trường Internet là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của các HTX trong việc chuyển đổi số.

Điều này đòi hỏi cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng sử dụng công nghệ, chuyển đổi số chuyên sâu cho HTX và hỗ trợ kinh phí khởi tạo trong việc bán hàng trực tuyến (online) qua các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước, từ đó giúp các HTX mở rộng đầu ra và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, trong chiến lược chuyển đổi số toàn diện cho khu vực kinh tế tập thể, HTX như hiện nay, theo bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng giám đốc Công ty Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển bền vững (SLDT), cần cổ suý tinh thần đổi mới sáng tạo ở các HTX. Theo đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX nên xây dựng năng lực chuyển đổi số trong các hoạt động như quản trị HTX, chiến lược số hóa HTX, trong văn hóa HTX, trong đầu tư về công nghệ số…

Như lưu ý của giới chuyên gia, các HTX cần hiểu rõ ai sẽ tham gia vào quá trình này. Cân nhắc mô hình sản xuất kinh doanh hiện tại theo lăng kính công nghệ số, kỹ thuật số. Ưu tiên hiệu chỉnh văn hóa HTX, tầm nhìn HTX, quản trị rủi ro, xác lập mục tiêu, an ninh dữ liệu và nhân lực số. Và hãy hành động ngay lập tức thay vì trì hoãn quá trình chuyển đổi số. Việc chậm thay đổi, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay sẽ có thể tác động nặng nề đến khu vực kinh tế tập thể, HTX còn hơn tác động của Covid-19.

Và khi khu vực kinh tế tập thể, HTX xác lập ưu tiên chuyển đổi số thì cần cân nhắc 2 yếu tố chính: Tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề này. Tuy nhiên, các HTX nên đưa thêm các yếu tố tác động trong ngắn hạn và dài hạn vào những ưu tiên của mình trong bối cảnh hiện nay. Các HTX cũng cần lưu ý mục tiêu của chuyển đổi số không phải là cải tiến một lần đối với các quy trình hiện có, cũng không nên mong đợi kết quả tức thì. Thay vào đó, các HTX cần hiểu rằng chuyển đổi số thực sự sẽ đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh nhằm liên tục tạo ra giá trị mới trong thời gian dài cho chính họ.

            Thế Vinh

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây