Liên minh Hợp tác xã Nghệ An

http://lienminhhoptacxanghean.org.vn


Sản phẩm OCOP Nghệ An – 'sứ giả' lan tỏa văn hóa vùng miền

Mô Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, giò me Nam Nghĩa, nước mắm Cửa Hội, hương trầm Quỳ Châu... là những sản vật đặc trưng của mỗi địa phương. Những đặc sản này được "gắn sao" OCOP vừa tăng giá trị kinh tế, vừa giúp quảng bá văn hóa địa phương.

Nhút là món ăn dân dã gắn với một thời kỳ nghèo khó “thịt cá hương hoa, nhút cà gia bản” của người dân Thanh Chương, đi vào câu ca “Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà”… Nhút giờ trở thành đặc sản, thành sản phẩm 4 sao OCOP cấp tỉnh, thành hàng hóa được tiêu thụ khắp nơi trong cả nước, có mặt tại nhiều cửa hàng bán lẻ hiện đại… Ảnh: Thanh Phúc.

Được sản xuất theo quy trình sạch do Nhật Bản hướng dẫn, cao cô đặc cà gai leo của dược liệu Pù Mát là sản phẩm uy tín chất lượng cao của Nghệ An. Sản phẩm đang được tiêu dùng rộng rãi trong cả nước. Ảnh: Trân Châu



Được chế biến từ những loài sen thơm ngát ở Nam Đàn, trà lá sen và hoa sen đang là sản phẩm OCOP đặc trưng của Nam Đàn khi đến với bè bạn gần xa. Ảnh: Trân Châu

Giò me với được làm từ thịt me của vùng quê Nam Nghĩa (Nam Đàn) với vị thơm ngọt đặc trưng nổi tiếng “thịt me Nam Nghĩa, thịt dê Cầu Đòn”. Nguyên liệu đặc biệt cùng với cách chế biến tinh tế cộng với bí quyết gia truyền đã tạo nên thương hiệu giò me Nam Nghĩa. Sản phẩm giò me ở Nam Đàn đã được công nhận 4 sao OCOP, được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước… Ảnh: Thanh Phúc

Từ một món ăn truyền thống của đồng bào vùng cao, bò giàng trở thành đặc sản mang hương vị của núi rừng của Tương Dương hiện đã được công nhận 3 sao OCOP và được nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở các thành phố trong và ngoài tỉnh phân phối, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện Cửa Lò có 3 sản phẩm được gắn sao OCOP gồm: Nước mắm Tân Hội của Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và Dịch vụ Cửa Hội; Nước mắm Hải Giang 1 của Hợp tác xã làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 và nước mắm Ngư Hải của Hợp tác xã dịch vụ Sông Lam. Để khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP, thị xã Cửa Lò cũng đã xây dựng đề án ứng dụng KHCN trong khai thác, chế biến sản phẩm sạch để phục vụ khách du lịch. Ảnh: Thanh Phúc
Nhắc đến bánh đa thì bánh đa Đô Lương nổi tiếng nhất. Thức quà quê bình dị được làm từ bột gạo cùng gia vị tỏi, ớt, hạt tiêu giã nhuyễn cùng vừng đen đã tạo nên chiếc bánh thơm bùi vô cùng hấp dẫn. Hiện, bánh đa Lương Sơn, một sản phẩm được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh đã được biến tấu thành nhiều loại khác nhau: bánh đa vừng, bánh đa gạo lứt… với sản lượng 1.300.000 bánh/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Ảnh: Thanh Phúc
 
Quỳnh Lưu được xem là “vựa rau” của tỉnh với đa dạng các loại rau màu, sản lượng mỗi năm lên đến cả nghìn tấn. Sản phẩm mỳ ăn liền rau củ hữu cơ thương hiệu ORGAMY bao gồm: Mỳ khoai tây, mỳ cải bó xôi, mỳ khoai lang tím, mỳ chùm ngây, mỳ cần tây vừa an toàn, giàu dinh dưỡng, phù hợp hơn với khẩu vị người Việt. Sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020 đã trở thành “tấm hộ chiếu” để sản phẩm tiến xa hơn trên thị trường bán lẻ hiện đại. Ảnh: Thanh Phúc

Rượu men lá là đặc sản truyền thống của đồng bào Thái Con Cuông với những đặc trưng riêng biệt. Men rượu được chiết từ hàng chục loại thảo dược quý. Để cất được một mẻ rượu khá công phu, mất cả tháng trời. Sản phẩm rượu men lá hạ thổ được phục tráng, được xây dựng thành thương hiệu, được “gắn sao” OCOP góp phần bảo tồn, phát huy một đặc sản địa phương gắn với nếp sinh hoạt, bản sắc văn hóa của người Thái ở Con Cuông. Ảnh: P.V

Bản Hoa Tiến được mệnh danh là một trong những cái nôi dệt, thêu thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời bậc nhất của người Thái ở Nghệ An. Xuất phát điểm ban đầu chỉ đơn thuần là dệt ra những mảnh vải để gia đình sử dụng, đến nay những sản phẩm dệt thổ cẩm của bản Hoa Tiến đã được cải tiến với mẫu mã đa dạng và có mặt ở nhiều thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội An, Huế, Sa Pa và được xuất sang một số thị trường quốc tế như Đức, Mỹ, Pháp, Canada, Nhật. Ảnh: Thanh Phúc
 
Hiện Nghệ An có 115 sản phẩm OCOP, trong đó có 26 sản phẩm 4 sao và 89 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm là đặc sản vùng miền, mang đậm dấu ấn về bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Việc các đặc sản được công nhận đạt chuẩn OCOP vừa tăng giá trị kinh tế, vừa lan tỏa giá trị văn hóa gắn với tên đất, tên người, trở thành “sứ giả” văn hóa của mỗi địa phương…

Đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, gồm 05 hạng sao:

Hạng 5 sao: Sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế;

Hạng 4 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế;

Hạng 3 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao;

Hạng 2 sao: Sản phẩm chưa đạt đầy đủ tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 3 sao;

Hạng 1 sao: Sản phẩm yếu, có thể phát triển lên hạng 2 sao.

Thanh Phúc - Trân Châu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây