Liên minh Hợp tác xã Nghệ An

http://lienminhhoptacxanghean.org.vn


Đưa nông sản HTX lên sàn thương mại điện tử còn lắm gian nan

Thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế trong lĩnh vực bán lẻ, đây cũng là xu thế và cơ hội để người dân, HTX giải quyết bài toán tiếp cận khách hàng, mở rộng đầu ra, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, việc bán được hàng trên kênh này đối với người dân, HTX là không hề đơn giản.
HTX kinh doanh dịch vụ hữu cơ An Lỗ (Thừa Thiên Huế) đã đưa sản phẩm gạo hữu cơ lên một số sàn thương mại điện tử, facebook… hơn một năm nay, nhưng theo ban giám đốc HTX, lượng đơn đặt hàng qua sàn thương mại điện tử vẫn còn rất khiêm tốn.
Rào cản khi lên sàn
Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX chia sẻ lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của HTX là gạo hữu cơ. Vì kinh doanh ở quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp nên việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai ứng dụng thương mại điện tử của HTX chưa được như mong muốn. Mặt khác, mặt hàng của HTX là thực phẩm hàng ngày nên được nhiều đơn vị bày bán nên khó cạnh tranh. HTX cũng chưa mở rộng được hệ thống đại lý nên khó khăn trong việc ship hàng, trong khi đây là mặt hàng cần kíp đối với mỗi gia đình.
Do đó, việc bán hàng thông qua thương mại điện tử của HTX hiện chủ yếu là dừng ở việc báo giá, giới thiệu để khách hàng tìm hiểu sản phẩm và so sánh giá cả. Còn phần lớn khách hàng của HTX hiện nay là đến tận nơi mua sản phẩm.
 
Bán hàng bằng thương mại điện tử vẫn còn khó khăn đối với không ít HTX.
 
Ông Phạm Ngọc Tổng, Giám đốc HTX công nghệ cao Thương Phú (Lâm Đồng) cho biết, nhận thấy vai trò của việc bán hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, HTX đã tiến hành đăng ký gian hàng trên sàn Lazada nhưng không hiểu vì đường truyền hay vận hành mà dù thực hiện theo các hướng dẫn nhưng HTX chưa đăng ký thành công. Mặc dù đã gửi tin nhắn lên hệ thống của sàn này nhưng cả tháng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Có thể thấy, dù tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử có nhiều lợi thế nhưng vẫn có HTX chưa tham gia được kênh tiêu thụ này hoặc tham gia nhưng chưa hiệu quả. Một số sản phẩm của HTX đã đưa lên sàn thương mại điện tử nhưng số lượng nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được với đông đảo khách hàng.
Theo thống kê, đến cuối năm 2021, có hơn 2,7 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa đưa lên các sàn thương mại điện tử; hàng nghìn giao dịch điện tử được thực hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây vẫn là con số nhỏ so với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam.
Theo chia sẻ của các thành viên HTX, khó khăn thường gặp khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử chính là phải mất rất nhiều thời gian vào việc đăng tải sản phẩm và update thông tin sản phẩm, nhất là với các HTX bán lẻ sở hữu nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi sản phẩm lại có thông tin chi tiết cũng như số lượng hàng hóa khác nhau.
“Với những HTX sở hữu nhiều gian hàng tại nhiều sàn thương mại điện tử, việc đăng tải sản phẩm mới lên hết các gian hàng thậm chí mất cả ngày, chưa kể còn phải chỉnh sửa thông tin giá cả từng sản phẩm. Ngoài ra, HTX phải dành thời gian để tương tác với khách hàng thường xuyên”, ông Nguyễn Ba cho biết.
Trong khi hiện nay, phần lớn thành viên của các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp ở độ tuổi 40-50, thậm chí là người khuyết tật nên khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa phổ biến. Ở những bước đầu triển khai, các HTX cũng gặp phải một số vướng mắc như thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn am hiểu về thương mại điện tử nên xảy ra tình trạng đưa nông sản lên sàn nhưng việc duy trì các gian hàng ảo và tiếp cận khách hàng vẫn còn chưa hiệu quả.
Ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, chuyển đổi số ở các ngành khác đã khó, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp còn khó hơn vì đối tượng tiếp cận là thành viên HTX và bà con nông dân. Họ không chỉ hạn chế về tiếp cận thông tin, phương tiện công nghệ, mà còn hạn chế về nhận thức.
Tận dụng thời cơ
Hiện nay, chỉ riêng sàn thương mại Alibaba yêu cầu chủ các gian hàng ảo phải nộp chi phí khoảng 10.000.000 đồng/tháng thì gần như các sàn thương mại điện tử khác của Việt Nam đều miễn phí việc đăng bán hàng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là các điều kiện cụ thể. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, các sàn này chỉ thu phần trăm trên mỗi đơn hàng giao dịch thành công hoặc thu phí duy trì nhưng chi phí không quá cao.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu các hộ, HTX không làm bài bản, đầu tư công phu về nội dung, phù hợp với người người dùng thì rất khó cạnh tranh và không tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử trong việc bán hàng.
Theo thống kê của các sàn, từ đầu năm 2020 tới nay, lượt truy cập của người dùng trên các sàn thương mại điện tử đạt trung bình tới 30 triệu lượt/tháng, trong đó riêng Shopee đạt trên 40 triệu lượt truy cập/tháng. Nếu các HTX phát triển kinh doanh trên nhiều sàn thương mại điện tử cùng lúc thì sẽ có cơ hội tiếp cận khách hàng miễn phí mỗi tháng ở mức độ cao.
 
Việc hỗ trợ HTX đưa hàng lên sàn và bán hàng hiệu quả là cần thiết nhưng rất cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và các cấp ngành.
 
Đặc biệt hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Tốc độ phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2021 bằng tốc độ của 5-6 năm trở lại đây cộng lại nên phát triển kinh doanh, buôn bán theo hình thức thương mại điện tử là hướng đi hoàn toàn đúng đắn.
Để HTX nắm bắt được xu thế này, các chuyên gia cho rằng các sàn thương mại điện tử cần nâng cấp công nghệ để phù hợp hơn với tình hình thực tế và nhu cầu truy cập lớn hiện nay. “Một số sàn thương mại như Sendo vẫn xảy ra tình trạng hệ thống bị lỗi, khi HTX gọi điện lên tổng đài thì không bắt máy hoặc gửi mail cả tháng trời để tháo gỡ khó khăn mà không có phản hồi”, ông Phạm Ngọc Tổng kiến nghị.
Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cần đơn giản hóa quá trình đăng ký gian hàng, xem xét giảm thiểu các giấy tờ và giảm thời gian giao hàng để hạn chế tình trạng khách bỏ dở đơn hàng.
Ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, các HTX hiện đang tập trung sản xuất, cố gắng tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng mà chưa thực sự đầu tư nhân lực cho việc phát triển mảng thương mại điện tử. Trong khi thương mại điện tử lại là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số. Xu thế này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một bộ phận người tiêu dùng trẻ, nhưng vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn đối với người cao tuổi, những người vốn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Chính vì vậy, để đưa mỗi nông dân trở thành một thương nhân, mỗi HTX phát triển thành một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số thì các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử cần tăng cường hỗ trợ các HTX về việc đào tạo, tập huấn, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
“Sự cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về quy mô, vốn… nên các HTX chưa biết cách đầu tư nhân lực, xây dựng các chiến dịch marketing, quảng cáo từ đó rất cần hỗ trợ một cách bài bản”, ông Phong nói.
Còn về phía các HTX và bà con nông dân cần có một tư duy đổi mới để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của thương mại điện tử. Kinh doanh qua sàn thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán mà cần có sự đầu tư vào khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển hay làm hình ảnh quảng bá để cải tiến cách làm và phát triển sản xuất kinh doanh một cách tối ưu.


 

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây